Thứ Tư, 5 tháng 2, 2020

10 ngày chống chọi virus corona của nữ bệnh nhân Thanh Hoá

Đêm 24/1, tròn một tuần sau khi trở về từ chuyến tập huấn ở Vũ Hán, Trung Quốc, Thu Trang (25 tuổi) lên cơn sốt kèm triệu chứng ho, khó thở. Cô đến bệnh viện khám và lập tức bị giữ lại.

Ba ngày cách ly chờ xét nghiệm ở Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, cô vẫn lạc quan, không nghĩ mình bị nhiễm virus đại dịch vì ở Vũ Hán "không đi dịch thuật đâu và cũng ít tiếp xúc với người bản địa".

Khi bác sĩ thông báo kết quả dương tính với virus corona, cô đã sốc, vì đọc báo thấy nói bên Trung Quốc có nhiều ca bệnh không cứu được. Hồi tưởng lại hành trình của mình, Trang phỏng đoán có thể cô đã nhiễm bệnh khi quá cảnh qua các sân bay Trung Quốc hoặc lúc đến cảng hàng không Nội Bài.

Trang phải cách ly đặc biệt, cô được đưa vào căn phòng kê bốn chiếc giường nhưng chỉ một mình cô nằm. Dù tự nhủ không bi quan nhưng trước đầy rẫy thông tin về số người nhiễm, người tử vong tăng liên tục, về việc chưa có thuốc đặc trị, cuộc chiến tâm lý dày vò cô mỗi ngày. Còn khi đêm về, "cảm giác trống vắng, buồn bực luôn vây quanh khiến em sợ hãi".

Trong quá trình cách ly, điều trị y bác sĩ và bệnh nhân giao tiếp nhưng không thể nhìn rõ mặt nhau. Ảnh: Lam Sơn.

Thu Trang trong những ngày cách ly hầu như không giao tiếp, không thấy rõ mặt y bác sĩ quanh mình. Ảnh: Tô Hà.

Lần đầu tiên trong đời, Trang đón giao thừa Tết Âm lịch trong bệnh viện. "Mẹ xuống viện chăm em, nhưng hai mẹ con chỉ được nói chuyện qua điện thoại. Có lúc em chỉ muốn trốn viện về nhà vì buồn không tả nổi".

Qua cơn sốc những ngày đầu, Trang vực dậy tinh thần. Cô làm bạn với những cuốn sách, nghe nhạc, ăn điều độ và uống kháng sinh, thuốc bổ theo chỉ định của bác sĩ. Hàng ngày bác sĩ, bệnh nhân thăm hỏi nhau, nhưng không ai biết mặt ai ra sao, tất cả đều che chắn kín mít, chỉ hở đôi mắt. Thời gian giao tiếp cũng rất ít.

Điều trị đến ngày thứ bảy, cô không còn ho, sốt như lúc mới nhập viện, bác sĩ nói xét nghiệm đã âm tính với nCoV. Tuy vậy để chắc chắn, cô phải chờ xét nghiệm thêm lần nữa. Đến ngày thứ 10, khi bác sĩ mang đến kết quả xét nghiệm tái khẳng định âm tính với nCoV, Trang một lần nữa "không tin quá trình hồi phục lại nhanh đến vậy". Cô gái cho rằng ngoài phác đồ phù hợp thì tinh thần lạc quan cũng đóng vai trò như một liệu pháp điều trị.

Sáng 3/2, Trang xuất viện trong niềm vui vỡ òa của y bác sĩ và người thân. Cô thấy mình như được giải thoát khỏi hành trình gian nan, tưởng dài bất tận.

Nguyễn Thu Trang tiếp tục được cách ly thêm 14 ngày tại quê nhà. Ảnh: Lam Sơn.

Nguyễn Thu Trang tiếp tục được cách ly thêm 14 ngày tại quê nhà theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Ảnh: Lam Sơn.

Ngày 5/2, trên con đường liên thôn về căn nhà nhỏ của gia đình Thu Trang ở làng Nội Hà, xã Định Hoà, huyện Yên Định, Thanh Hóa, hầu hết người dân qua lại đều đeo khẩu trang, rác ven đường được dọn dẹp sạch sẽ, phun tiêu độc khử trùng. Bản tin về tình hình dịch bệnh do virus corona và hướng dẫn cách phòng tránh vang lên trên chiếc loa đầu làng.

Đón con gái về nhà hai ngày nay, ông Nguyễn Văn Ly, bố Trang thở phào vì "không còn nỗi căng thẳng, sợ hãi, ánh mắt xa lánh của người làng với các thành viên gia đình như trước".

Thu Trang dù đã khỏi bệnh nhưng đang trong lộ trình phải cách ly thêm 14 ngày theo chỉ định của bác sĩ. Cô dự định sau hai tuần phục hồi tinh thần tại nhà sẽ trở lại Vĩnh Phúc tiếp tục công việc.

Thu Trang là một trong số người Việt đầu tiên phát hiện nhiễm virus nCoV và cũng là bệnh nhân đầu tiên phục hồi được xuất viện. Trang nằm trong đoàn 8 người của Công ty Nihon Plast (sản xuất phụ tùng ôtô Nhật Bản, đóng tại tỉnh Vĩnh Phúc) sang Vũ Hán tập huấn giữa tháng 11/2019. Sau hai tháng, họ cùng về Việt Nam trên chuyến bay CZ8315 của hãng Southern China. Đến nay, 4 người trong đoàn và một người thân của họ được xác định nhiễm nCoV.

Tính đến 5/2, Việt Nam có 10 ca nhiễm nCov (5 ở Vĩnh Phúc, 3 ở TP HCM, 1 ở Nha Trang, 1 ở Thanh Hoá) thì 3 người đã phục hồi, xuất viện.

Ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho hay, bệnh nhân Nguyễn Thu Trang được điều trị theo phác đồ "điều trị theo triệu chứng", tức có triệu chứng gì đặc biệt sẽ điều trị triệu chứng đó, tuân thủ phác đồ của Bộ Y tế, gồm cách ly, sử dụng thuốc kháng sinh, hỗ trợ hô hấp, dinh dưỡng, nâng đỡ tổng trạng...

"Việc phát hiện sớm, cách ly sớm, điều trị tích cực là điều cực kỳ quan trọng", ông Sỹ nói và cho hay nhiều trường hợp nhiễm nCoV khó điều trị có thể do bệnh nhân được phát hiện muộn. Ngoài ra, một số chủng cúm để lâu dẫn tới biến chứng suy hô hấp, suy đa tạng... điều trị khó khăn hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét